Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Tri kiến giải thoát

(hay trí tuệ giải thoát, hay tri kiến thanh tịnh) là sự tư duy, suy nghĩ đi ngược lại với lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si. Tâm đã ly dục ly ác thì tri kiến ly dục ly ác pháp đó là tri kiến giải thoát.

Tri kiến giải thoát tức là định, tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh tức là tâm bất động; tâm bất động tức là định; định tức là tri kiến giải thoát. Đường lối tu tập của đạo Phật là chuyển từ tri kiến thế gian để trở thành tri kiến giải thoát, từ tri kiến giải thoát chuyển thành tâm ly dục ly ác pháp, từ tâm ly dục ly ác pháp chuyển thành tuệ Tam Minh.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, là đạo chuyển hóa tâm phàm phu trở thành tâm Thánh. Muốn được như vậy phải bằng nước mắt, và máu , có nghĩa là chúng ta phải chết đi một lần và sống lại. Tri kiến giải thoát là thắng tri trong Phật giáo, tạo thêm một sức mạnh cần thiết để con người làm chủ được thân tâm, đoạn tận tâm tham, sân, si đưa đến chấm dứt đau khổ.

Với thắng tri tâm sinh nhàm chán ly tham, từ bỏ, đoạn diệt, và cuối cùng đưa đến giải thoát hoàn toàn theo tiến trình như đức Phật đã dạy: “Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”.

Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm nên đã làm, nay không còn trở lui trạng thái này nữa”. (Tương Ưng 4, kinh 29). Đang tu cũng thấy giải thoát, chứng quả cũng thấy giải thoát.

Tri kiến giải thoát có hai cách: - Thứ nhất là tri kiến duyên “sanh”, sanh tức là các pháp, tri kiến là biết rõ, nghĩa là biết rõ các pháp “Vô thường, khổ, không, vô ngã”, biết rõ các pháp như vậy, đồng thời dùng sức tỉnh thức để không bị lôi cuốn, chìm đắm, dính mắc trong các pháp.

Do đó mới gọi là vô lậu giải thoát, mới gọi là làm chủ được sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi.
- Thứ hai là tri kiến luật nhân quả thiện ác” để ngăn ác, diệt ác pháp, khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp.

Nên tâm ly, dục ly ác pháp nhập SơThiền. Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền là tâm đã thanh tịnh, tức là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật tức là tâm đã nhập Bất Động Tâm định. Tâm nhập Bất Động Tâm định là tâm vô lậu, người mà tâm vô lậu là người có tri kiến giải thoát hoàn toàn.

Cho nên, tri kiến giải thoát của đạo Phật là Chánh Niệm tỉnh thức trong Bất Động Tâm định, do sự tu tập tỉnh thức và huân tập pháp như lý tác ý để khắc phục tâm tham ưu mà có, chứ không phải là tánh giác như trong kinh sách phát triển dạy.

Muốn có Tri Kiến Giải Thoát thì phải học giới luật đức hạnh, lý nhân quả, lý các pháp vô thường. Khi một hành giả sống một đời sống đạo đức thì đạo đức là giới hạnh. Giới hạnh làm cho tri kiến không có khởi ác niệm, không có những hành động ác, không có những lời nói ác.

Đó là tri kiến thanh tịnh tức là tri kiến giải thoát hay nói cách khác là tri kiến không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, tức là sự hiểu biết thanh tịnh.

Gợi ý